Nông dân “dễ thở”
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, XK gạo tính đến ngày 15/6 đạt 2,56 triệu tấn với trị giá 1,14 tỷ USD, tăng khoảng 3% về lượng và 2% về trị giá. Đây không phải là con số tăng trưởng cao so với nhiều mặt hàng XK của Việt Nam. Song trong bối cảnh XK gạo giảm sút mạnh trong năm 2016 (giảm gần 26,5% về lượng và 22,4% về trị giá) thì con số này đã cho thấy sự khởi sắc của XK gạo.
Về thị trường XK, nếu năm 2016, XK gạo sụt giảm đáng kể ở các thị trường truyền thống trọng điểm như Trung Quốc giảm 8,6%, Philippines giảm 64,1%, Malaysia giảm 45,5%... thì 5 tháng đầu năm 2017 XK gạo sang các thị trường này đều ghi nhận tăng trưởng. Trung Quốc vẫn là thị trường NK gạo lớn nhất của Việt Nam với số lượng 1,073 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm 2017, tăng trên 16% cả về lượng và trị giá, chiếm khoảng 47% tổng lượng XK gạo của cả nước. Thị trường Philippines tăng 23,4% về lượng và 10,4% về trị giá, còn thị trường Malaysia tăng 22% về lượng và 7% về trị giá.
Sự khởi sắc này bắt nguồn từ nhu cầu của các nước tăng cao, cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành trong việc tăng cường xúc tiến thương mại gạo đã giảm bớt sự lo lắng về đầu ra từ hồi đầu năm 2017. Đó là nhận định của ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT). Ví dụ Philippines- một trong những nước NK gạo nhiều nhất thế giới, đang chuẩn bị đấu thầu NK 250.000 tấn gạo nhằm tăng tồn kho. Hay Bangladesh, ngày 21/6 vừa qua đã thông báo đấu thầu lần thứ 4 kể từ tháng 5, NK 50.000 tấn gạo đồ khi nước này đối mặt với tồn kho giảm và giá gạo nội địa cao kỷ lục.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, đây là tín hiệu tốt khi giá gạo thế giới lên cao giúp cho lượng XK cũng như giá XK gạo của Việt Nam tăng, đồng thời giúp người nông dân “dễ thở” hơn. Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần từ 16-22/6, giá lúa khô tại kho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động từ 5.400-5.500 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.900-6.000 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.500-7.600 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.900-7.000 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương...
Không còn thị trường dễ tính
XK tăng tốt là tín hiệu mừng cho nên VFA cũng như Bộ NN&PTNT đưa ra dự báo lạc quan cho những tháng tiếp theo và XK trong cả năm 2017. Song giới chuyên gia cũng đề cập đến một vấn đề khá nhạy cảm đó là việc vì lượng mà quên chất. Trên thực tế, các mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo khi XK vẫn chủ yếu dựa vào lượng. Đáng chú ý, khi thị trường lên giá hoặc bán tốt người nông dân lại tập trung vào mặt hàng đó sẽ dẫn tới dư thừa. Ông Thắng lo lắng, mặt hàng gạo cũng không phải ngoại lệ. “Cần đề phòng khi thấy có hiện tượng này, nông dân lao vào sản xuất lúa gạo, thu hẹp diện tích trồng loại cây khác, tăng vụ để nắm bắt thời cơ dẫn tới dư thừa, từ đó báo hiệu tình trạng giá gạo giảm khủng khiếp khiến người nông dân khốn đốn”, ông Thắng nói.
Thêm nữa, một vấn đề mà giới chuyên gia đề cập đến là khi gạo được giá, DN chỉ chăm chăm XK mà quên mất việc đảm bảo chất lượng gây tác động xấu cho người nông dân. Tức là, hai yếu tố lượng tăng, chất lượng giảm hợp lại với nhau sẽ khiến cho giá XK giảm, khi đó người nông dân tiếp tục rơi vào tình trạng khốn đốn.
Tuy nhiên, theo ông Bảnh, vấn đề chất lượng đặt ra là đúng nhưng không cần quá lo lắng. Bởi lẽ, ngay cả thị trường Trung Quốc- được cho là thị trường dễ tính đến nay cũng có sự kiểm soát khá chặt chẽ về đảm bảo chất lượng, dư lượng thuốc kháng sinh… Mới đây, có 33 DN đăng ký XK gạo sang Trung Quốc nhưng chỉ có 22 DN được chấp nhận. “Không còn thị trường dễ tính nữa, DN bắt buộc phải đảm bảo chất lượng thì mới có thể XK”, ông Bảnh nhận định.
Có thể nói, XK gạo của Việt Nam đang có những tín hiệu tốt khi nhu cầu thị trường NK của các nước đang tăng cao. DN cần tận dụng cơ hội này để gia tăng XK. Nhưng nhìn một cách tổng thể, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo cho biết, XK gạo của Việt Nam chưa có sự thay đổi cơ bản, hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng lớn như Trung Quốc, Philippines…, phụ thuộc vào các “đại gia” như Thái Lan đưa ra thị trường nhiều hay ít, kéo theo XK gạo lên hay xuống. Bên cạnh đó, hoạt động XK gạo của Việt Nam cho đến hiện tại chưa có sự thay đổi cơ bản theo định hướng không thiên về lượng mà đi vào chất, đặc biệt cần sản xuất gạo phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của từng đối tượng như vùng Đông Bắc Á, Trung Quốc, châu Phi… Mặt khác, cách XK gạo vẫn như cũ dựa vào mấy công ty lớn, vẫn XK loại gạo 5%, 25% tấm mà không có thương hiệu.
Trong bối cảnh thị trường vẫn có sự cạnh tranh gay gắt, thị trường NK không còn dễ tính thì việc thay đổi phương thức sản xuất, XK gạo vẫn là việc cần phải giải quyết trong lúc này.