Ngành logistics “nuôi” mãi không lớn
Sáng 24-11, diễn đàn logistics với chủ đề “Từ kế hoạch đến thực thi: Kết nối chuỗi giá trị toàn cầu” do Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức tại TP HCM đã thu hút hơn 500 đại diện doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam, các chuyên gia trong và ngoài nước tham dự.
Mạnh số lượng, yếu thị phần
Với mức tăng trưởng 16%-20%/năm và được dự báo sẽ duy trì trong 5-10 năm tới, ngành logistics được đánh giá là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng tốt của Việt Nam. Đặc biệt, việc Việt Nam tham gia vào 12 hiệp định thương mại song phương, đa phương trên thế giới tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu phát triển sôi động, tiền đề cho ngành logistics phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối diện quá nhiều khó khăn, thách thức với áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Sự thiếu đồng bộ về hạ tầng giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân khiến ngành logistics Việt Nam thiếu tính cạnh tranh Ảnh: Hoàng Triều
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, hiện các DN logistics Việt Nam vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu phát triển. DN logistics tuy mạnh về số lượng nhưng lại yếu về thị phần và năng lực, đa phần là các DN vừa và nhỏ, vốn ít và thiếu cơ sở vật chất, chỉ hoạt động trong phân khúc nhỏ lẻ, chi phí cao. Song song đó, những hạn chế trong liên kết của DN xuất nhập khẩu và DN logistics, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN, tình trạng thiếu đồng bộ về hạ tầng phần cứng, chưa hoàn thiện khung pháp lý hạ tầng phần mềm… cũng như sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực có trình độ quản trị lĩnh vực logistics và ngoại ngữ chuyên ngành cũng góp phần làm chậm sự phát triển của ngành.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước về chỉ số năng lực quốc gia về logistics và thứ 4 trong ASEAN - sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Chi phí logistics của Việt Nam chiếm 20,9% GDP, cao hơn nhiều so với mức trung bình 9%-15% tại các nước phát triển. Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, kết cấu hạ tầng, năng lực logistics, ứng dụng công nghệ và kiểm tra chuyên ngành (liên quan đến hải quan) là những yếu tố khiến ngành logistics kém cạnh tranh. Thực trạng này đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa được cải thiện. Hiện các DN chỉ quanh quẩn cung cấp những dịch vụ đơn giản như làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi…
Cần có đầu mối điều phối chính sách logistics
Các ý kiến đều cho rằng vấn đề mấu chốt hiện nay là làm sao đưa diễn đàn thành kênh đối thoại giữa Chính phủ với DN, từ đó tổng hợp, đúc kết các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành logistics Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng tất cả tồn tại của ngành logistics đang hạn chế tầm nhìn và mục tiêu phát triển của ngành, đồng thời gián tiếp làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc triển khai các giải pháp giúp DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ, từng bước gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu là hết sức quan trọng. Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp nhiều bộ, ngành, hiệp hội, DN, tổ chức và các chuyên gia xây dựng kế hoạch hành động về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics với kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá về chính sách, tạo cơ chế thuận lợi để DN logistics Việt Nam củng cố năng lực, thị phần, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Dưới góc nhìn DN, ông Lê Duy Hiệp cho rằng để phát triển năng lực cạnh tranh của các công ty cung cấp dịch vụ logistics, phấn đấu đến năm 2020, ngành logistics Việt Nam đứng tốp 4 ASEAN và tốp 50 thế giới chỉ số năng lực quốc gia về logistics, hiệp hội kiến nghị nâng cấp Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế 1 cửa ASEAN - 1 cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại - giao lưu hàng hóa qua biên giới thành Ủy ban Logistics và tạo thuận lợi hóa thương mại quốc gia. Ủy ban sẽ làm đầu mối điều phối chính sách phát triển logistics chung, tháo gỡ vướng mắc, phổ biến sâu rộng các cam kết quốc tế…
Chi phí vận tải quá cao TS Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ Giao thông Vận tải, chỉ ra rằng hạ tầng vận tải phục vụ logistics còn khá nhiều bất cập. Trong đó, đáng nói nhất là tình trạng thiếu đồng bộ giữa các cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển. Bên cạnh đó, việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm làm đầu mối trung chuyển, phân phối hàng hóa. Giai đoạn 2011-2015, hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển nhanh, phát huy hiệu quả cao. Hiện vận tải đường bộ chiếm đến 76,59% khối lượng và thị phần vận chuyển hàng hóa trong khi chi phí quá đắt đỏ, chiếm đến 59% chi phí logistics, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, trục “xương sống” đường sắt rất quan trọng để vận tải đường dài, khối lượng hàng hóa lớn chưa được phát triển hợp lý. Một trong những nguyên nhân chính gây ra sự mất cân đối giữa các loại hình vận tải là do mức đầu tư cho các loại hình vận tải khác còn quá thấp so với đầu tư cho đường bộ. Giai đoạn 2011-2015, đầu tư cho đường bộ chiếm tỉ trọng 89,93%, đường sắt chỉ 2,77%, đường thủy nội địa 2,22%, đường hàng hải 3,57% và đường hàng không 1,51%. |