Tái xuất thuốc lá lậu: Một công đôi việc
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389) quốc gia, hiện Long An và An Giang là 2 tỉnh có nạn buôn lậu thuốc lá đứng đầu cả nước cũng như số vụ với tổng số trị giá tang vật thu giữ được lên đến hàng chục tỉ đồng.
Lãng phí, không hiệu quả
Theo báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, tính từ giữa năm 2014 đến hết tháng 6 vừa qua, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã tổ chức kiểm tra bắt giữ 3.221 vụ vi phạm (1.479 đối tượng), thu giữ 1.842.437 gói thuốc lá nhập lậu. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 13,37 tỉ đồng, khởi tố hình sự 60 vụ cùng với 73 đối tượng.
Các lực lượng chức năng tỉnh An Giang tiến hành tiêu hủy thuốc lá lậu Ảnh: THỐT NỐT
Tại Cần Thơ, báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP cho thấy năm 2014, lực lượng chức năng đã bắt giữ 207.930 bao thuốc lá lậu, khởi tố 22 vụ với 23 đối tượng. Trong năm 2015 đã bắt 190.825 bao (giảm 8% so với năm 2014), khởi tố 16 vụ với 16 đối tượng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng công an và quản lý thị trường (QLTT) đã bắt 64.795 bao thuốc lángoại nhập lậu.
Chỉ riêng từ đầu năm 2015 đến nay, các lực lượng ở An Giang đã thu gom, tiêu hủy được 6 đợt với hơn 2,3 triệu gói thuốc lá các loại. Để tiêu hủy hết số lượng thuốc khổng lồ này, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và ban điều hành quỹ của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã hỗ trợ cho các lực lượng chống buôn lậutỉnh gần 5 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như số lượng mỗi đợt tiêu hủy trên địa bàn khá lớn (khoảng 300.000 gói/quý/đợt) trong khi công suất đốt của nhà máy xử lý chất thải nguy hại duy nhất trên địa bàn lại khá nhỏ (khoảng 60.000 gói/ngày), do đó thời gian tiêu hủy thường kéo dài.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết mức hỗ trợ tiêu hủy thuốc lá nhập lậu theo quy định là 3.500 đồng/bao. Trên thực tế, mức này không đủ chi cho tất cả chi phí có liên quan đến công tác chống buôn lậu thuốc lá ngoại nên việc phòng chống loại tội phạm này gặp khó khăn. Và, với cơ chế kinh phí như hiện nay thì không động viên khuyến khích cán bộ, chiến sĩ tích cực kiểm tra, ngăn chặn.
Chưa kể, chi cục QLTT là đầu mối thu gom thuốc lá ngoại của các lực lượng chức năng bắt giữ và chịu trách nhiệm tiêu hủy. Tuy nhiên, chi cục không có kho, bãi chứa thuốc lá ngoại bị tịch thu để chờ đến ngày tiêu hủy, dễ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe công chức, nhân viên. Ngoài ra, cũng vì thiếu địa điểm tiêu hủy mà chi cục phải ký hợp đồng tiêu hủy ở các lò gạch, vừa gây ô nhiễm môi trường mà chi phí lại rất cao.
Nơi đồng ý, nơi không
Theo các lực lượng QLTT, cơ chế tiêu hủy thuốc lá lậu hiện nay tuy có nâng được số tiền hỗ trợ cho lực lượng chống buôn lậu song so với chi phí để phục vụ công tác này như nắm tình hình, mua tin… thì số tiền trên chưa bảo đảm để khuyến khích các lực lượng chống buôn lậu. Trước tình trạng đó, một số tỉnh, thành đã đề xuất với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho phép thực hiện phương án tái xuất hoặc tái chế thuốc lá ngoại nhập lậu để làm kinh phí hoạt động cũng như trang bị phương tiện phục vụ cho công tác chống buôn lậu thay vì phải đem tiêu hủy gây lãng phí và không hiệu quả.
Trong văn bản mà Ban Chỉ đạo 389 TP Cần Thơ phát trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vào ngày 4-7 có đề xuất xem xét cho TP Cần Thơ có chủ trương thực hiện tái xuất thuốc lá ngoại còn chất lượng bị tịch thu trong thời gian tới. Vì việc tái xuất thuốc lạ ngoại sẽ thu được một số tiền, tránh lãng phí, hạn chế ô nhiễm môi trường nếu tiêu hủy. Số tiền thu được từ việc này đối với lực lượng chức năng nhiều hơn so với tiền hỗ trợ từ tiêu hủy thuốc lá ngoại, nguồn kinh phí tái xuất thuốc lá nhập lậu để lại hỗ trợ phục vụ công tác chống buôn lậu của các lực lượng chức năng sẽ được bổ sung thêm chi phí hoạt động… Tuy nhiên, qua trao đổi giữa các bên trong cuộc họp, việc tái xuất này chưa chắc bảo đảm thuốc lá lậu không nhập lậu trở lại. Hơn nữa, do bị ảnh hưởng của khung pháp lý quốc tế nên Cần Thơ chủ động không tái xuất mà đề nghị tiêu hủy thuốc lá nhập lậu.
Trong khi đó, vào ngày 1-7 vừa qua, đoàn công tác liên ngành 389 quốc gia khi làm việc tại An Giang đã thống nhất lại với hình thức tái xuất thuốc lá lậu mà tỉnh đề xuất vì thấy rằng đây là phương án hiệu quả nhất.
Về ý tưởng tái chế thuốc lá lậu, ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh An Giang, cho biết ý tưởng này đã bị bác bỏ từ rất lâu vì không mang lại hiệu quả và rất phức tạp. “Tái chế thuốc lá là vô cùng khó khăn và phức tạp vì sau khi trải qua các công đoạn quấn thuốc lá thì còn nhãn mác, bao bì, chất lượng như thế nào nữa. Chính vì vậy mà An Giang đề nghị phương án tái xuất vì lực lượng trực tiếp có nguồn thu khá hơn so với tiêu hủy hay tái chế. Cụ thể, với việc đem tiêu hủy 1 gói thuốc thì Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam phải hỗ trợ 8.500 đồng nhưng thực tế lực lượng chức năng chỉ nhận được có 2.890 đồng. Còn nếu chọn phương án tái xuất sẽ nâng số tiền hỗ trợ lên được hơn gấp đôi. Hiện UBND tỉnh An Giang cũng đã có văn công văn gởi Chính phủ xem xét theo hướng này” - ông Lợi nói.
Quy trình tái xuất rất chặt chẽ Theo ông Phan Lợi, quy trình tái xuất do Bộ Công Thương được thực hiện rất chặt chẽ bằng cách chỉ định doanh nghiệp trong nước tiếp nhận hàng và không xuất sang các nước liền kề như Lào, Campuchia và Trung Quốc. Tham tán thương mại hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại nước tái xuất sẽ làm công tác giám sát doanh nghiệp nước ngoài xem có hoạt động kinh doanh phù hợp với mặt hàng tiếp nhận hay không để tránh bị “doanh nghiệp ma” thu tóm. Về phía doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện tái xuất sẽ có giá xuất bình quân khoảng 6.000 đồng/gói. Trong khi đó, với nguồn thu đáng kể này thì các lực lượng chức năng chống buôn lậu cũng có nguồn hỗ trợ cao hơn mức cũ với 2.490 đồng/gói. |