Vì sao xuất khẩu gạo giảm?
Ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) trả lời phỏng vấn PV Báo Giao thông bên lề hội thảo “Góp ý dự thảo tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực lúa gạo” diễn ra ngày 30/11.
Ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT).
Thưa ông, liên quan đến vấn đề gạo của Việt Nam bị Mỹ trả về do vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; Trong tiêu chuẩn quốc gia về lúa gạo đang được xây dựng có đặt ra các chỉ tiêu về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng... để đảm bảo gạo đủ tiêu chuẩn xuất sang các thị trường khó tính?
Trước yêu cầu cấp thiết về một tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực lúa gạo, chúng tôi đang tích cực phối hợp lấy ý kiến các bộ, ngành, nhà khoa học và cả doanh nghiệp để đưa ra bản tiêu chuẩn phù hợp nhất với điều kiện sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam hiện nay. Theo đó, nội dung tiêu chuẩn này không những cập nhật các chỉ tiêu hiện có của gạo Việt Nam mà còn tham khảo cả các tiêu chuẩn của các nước trong khu vực và trên thế giới. Còn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng kim loại nặng... nhất thiết phải theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giống lúa đang trồng tại Việt Nam hầu hết có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc, đã gây ảnh hưởng tới chất lượng gạo của chúng ta? Ông nhận định như thế nào về ý kiến trên?
Trước hết phải khẳng định, giống lúa nhập không làm ảnh hưởng tới chất lượng gạo của Việt Nam. Giống lúa của Việt Nam đa số nhập từ nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc... tuy nhiên, qua quá trình nuôi trồng đã được lai tạo, đồng hóa trở thành giống của Việt Nam. Chúng ta tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới, song vẫn có chọn lọc tính ưu việt tạo ra những giống vừa năng suất vừa đạt chất lượng. Hơn nữa, cần nhấn mạnh về yếu tố điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam cũng đã tạo nên sự khác biệt về chất lượng hạt gạo.
Số liệu mới đây cho thấy, sản lượng gạo xuất khẩu 11 tháng trong năm đã giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Vậy nguyên nhân có phải do chất lượng gạo của Việt Nam không? Ảnh hưởng từ thông tin số lô hàng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị trả về do vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ra sao?
Tình hình gạo xuất khẩu giảm cả về số lượng lẫn giá trị là tình trạng chung của các nước xuất khẩu chứ không riêng gì Việt Nam. Nói về chất lượng, cơ bản gạo của Việt Nam có chất lượng tốt, việc lô hàng có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng bị trả về là hy hữu. Cụ thể, Mỹ là nước có yêu cầu rất cao về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm, song tính từ năm 2004 tới nay, trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ từ 250 - 300 nghìn tấn gạo, tổng số lượng hàng bị trả về chỉ khoảng 0,3%.
Dây chuyền bóc vỏ trấu, lọc sạn, xát trắng... khép kín và hiện đại của một doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Ảnh: Hưng Cúc
Vậy trong tình hình xuất khẩu gạo gặp khó như hiện nay, chúng ta có những giải pháp thế nào?
Bộ NN&PTNT đã quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu tổng thể của đề án nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh lúa gạo làm cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững và tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu.
Mặt khác, theo tôi giải pháp quan trọng vẫn là phải xây dựng được thương hiệu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu gạo đang phải làm rất cẩn thận, vì đây là lĩnh vực mới, còn nhiều quan điểm bất đồng chưa thống nhất. Thương hiệu không chỉ là đơn giản dừng ở việc xây dựng tiêu chuẩn, thiết kế logo, hình ảnh mà còn là cả quá trình chuyển biến từ khâu sản xuất tới thương mại, xuất khẩu. Làm sao để khi nhìn thấy thương hiệu, người tiêu dùng nhận biết và tin tưởng về chất lượng sản phẩm.
Cụ thể từ phía người nông dân và DN chế biến xuất khẩu gạo, cần phải thay đổi như thế nào, thưa ông?
Lâu nay chúng ta vẫn sản xuất theo cái mà chúng ta có rồi đem bán. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, phải thay đổi quan điểm sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng. Đó là gạo ngon, chất lượng cao và bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì vậy, sau khi tìm hiểu thị trường, nhu cầu người tiêu dùng, DN sẽ đặt hàng cho người nông dân sản xuất theo yêu cầu từ giống tới tiêu chí canh tác, chăm sóc, thu hái và bảo quản...
Cảm ơn ông!
Việc xây dựng TCVN về lĩnh vực lúa gạo sẽ do Bộ NN&PTNT tiến hành, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) công bố. Theo đó, sẽ có ba bộ TCVN cho gạo thơm trắng, gạo trắng và quy phạm thực hành đối với xay xát gạo. Đáng nói, ngoài yêu cầu về kỹ thuật, trong nội dung yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với gạo thơm trắng và gạo trắng đều quy định về mức giới hạn tối đa các loại phụ gia, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; Mức giới hạn tối đa ô nhiễm kim loại nặng; Mức giới hạn tối đa ô nhiễm độc tố vi nấm... |