Vì sao 'vương quốc' cà phê Braxin mua cà phê Việt?
Chính phủ Braxin lần đầu tiên trong lịch sử của nước nhà đã phê duyệt mua hàng nhập khẩu cà phê vối Robusta, trong đó có cà phê của Việt Nam.
Cà phê Robusta nhập khẩu sẽ phải chịu mức thuế quan 2% và bắt đầu có hiệu lực khi biện pháp trên được đăng chính thức trên công báo. Dự kiến, Braxin sẽ nhập khẩu tới một triệu bao cà phê Robusta (1 bao=60kg) theo lộ trình đến cuối tháng 5-2017 với khối lượng tối đa là 250.000 bao/tháng.
Với kỳ vọng chính phủ Braxin sẽ đồng ý nhập robusta Việt Nam, giá cà phê thế giới ghi nhận phiên tăng giá thứ hai liên tiếp tác động tích cực đến thị trường cà phê Việt Nam, đẩy giá thu mua cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên tăng nhẹ 300 – 600 đồng/kg, lên cao nhất 46.000 đồng/kg ở Gia Lai và thấp nhất 44.500 đồng/kg ở Lâm Đồng.
Hình minh họa
Lý giải nguyên nhân vì sao đất nước xuất khẩu cà phê đứng đầu thế giới lại phải nhập khẩu cà phê nhân, các chuyên gia lĩnh vực này cho biết tiêu thụ nội địa cà phê Robusta chiếm đến 90% tổng sản lượng Robusta thu hoạch của Braxin. Trong đó, chủ yếu được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho chế biến cà phê. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung Robusta gần đây do hạn hán sản lượng giảm 40-60% đã đẩy giá mặt hàng ngày tăng kỷ lục.
Giá thành nguyên liệu đầu vào tăng sẽ làm chi phí sản xuất của doanh nghiệp chế biến cà phê hòa tan tăng cao, hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đối mặt với nguy cơ bị mất thị phần cà phê hòa tan trên toàn cầu, các doanh nghiệp sản xuất đã yêu cầu chính phủ Braxin hạ thấp hàng rào thuế quan, cho phép nhập khẩu Robusta để đảm bảo đáp ứng đủ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Trước sức ép từ phía các nhà sản xuất, dường như chính phủ Brazil đang dần chấp thuận biện pháp nhập khẩu cà phê Robusta từ các nước xuất khẩu khác, sau hàng tháng trời trì hoãn để bảo vệ các nông hộ trồng Robusta.
Mặc dù Braxin đã từng nhập khẩu cà phê rang xay nhưng cà phê nhân xô được nhập vào nước này lại là chuyện chưa từng có tiền lệ tại quốc gia có đến gần 300 lịch sử trồng cà phê.