Rau quả đã chính danh xuất ngoại
Tự đi bằng đôi chân mình
Từ nhiều năm trước, Cty TNHH xuất nhập khẩu Chánh Thu (Bến Tre) đã xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, nhưng vì thị trường này giá mua thấp, lại nhiều rủi ro, trong khi thấy trái cây ĐBSCL có chất lượng tốt nên bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc công ty muốn tìm cách nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm nên tìm đường sang thị trường Mỹ. Năm 2011, khi các hiệp định về trái cây giữa Việt Nam và Mỹ được ký kết, hai loại trái cây đầu tiên bà Thu lựa chọn để xuất khẩu sang Mỹ là chôm chôm và nhãn. Cùng với phát triển nhà xưởng, bà Thu đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu tại một số địa phương. Đầu năm 2011, phái đoàn của Bộ Nông nghiệp Mỹ đến tận nơi khảo sát và chấp nhận để chôm chôm, nhãn của Công ty Chánh Thu vào thị trường Hoa Kỳ. Gần cuối năm 2011, những lô hàng trái cây đầu tiên mang thương hiệu Chánh Thu chính thức được xuất sang Hoa Kỳ. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm nhà đóng gói này xuất khoảng 600 tấn nhãn và chôm chôm. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, công ty đã xuất gần 700 tấn trái cây các loại, gồm nhãn, chôm chôm, thanh long sang nước ngoài, trong đó thị trường Mỹ chiếm 60%.
Với tư cách Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), ông Đấu lại cho rằng ít nhất có đến 85% lượng rau quả do doanh nghiệp trong Hiệp hội Vinafruit xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình. Trong khi các doanh nghiệp phía Bắc chủ yếu xuất sang Trung Quốc thì các DN phía Nam xuất sang thị trường Âu-Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Kim ngạch xuất khẩu rau quả của các doanh nghiệp trong Hiệp hội năm 2016 tăng khá cao. Tính từ đầu năm đến hết tháng 11, xuất khẩu ước đạt 2.084 triệu USD đạt 130,5% so với cùng kỳ 2015 (1.669 triệu USD). Mười thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan, Singapore và Úc.
Trở ngại
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu, việc xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Hoa Kỳ vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều trở ngại. Bà cho biết, khó khăn nhất là thay đổi tư duy của nông dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất sạch để đáp ứng yêu cầu rất khắt khe của thị trường này. “Mình phải tư vấn, giải thích cho từng nông dân một để họ hiểu là muốn nâng giá trị trái cây thì phải trồng theo quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mới bán được”- bà Thu nói.
Khó tiếp theo là không có quỹ đất để mở rộng vùng chuyên canh nguyên liệu. Trong khi đó, việc liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân còn nhiều trục trặc, một mặt vì diện tích canh tác của nông dân thường nhỏ lẻ, manh mún chưa kể nhiều nông dân không giữ đúng cam kết ban đầu. Một thách thức không nhỏ khác là khâu bảo quản sau thu hoạch của mình còn hạn chế nên rất nhiều loại trái cây ngon, nổi tiếng như sầu riêng, bưởi da xanh…không thể sang Mỹ được. Đó cũng chính là lý do phần lớn trái cây của Việt Nam đều xuất sang các thị trường dễ tính.