Hàng ngàn gara ô tô sẽ đóng cửa?
Bộ Công Thương chấp nhận phương án bỏ Thông tư 20/2011, vốn làm cho hàng trăm nhà nhập khẩu xe hơi từ chín chỗ ngồi trở xuống điêu đứng, phá sản. Nhưng bộ này lại đề nghị Thủ tướng giao cho Bộ GTVT ban hành những quy định tương đương về bảo hành, bảo dưỡng.
Do vậy nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô tô dưới chín chỗ ngồi vẫn lo ngại về đề xuất này.
Điều kiện khắt khe về bảo dưỡng xe
Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương thừa nhận rằng Thông tư 20/2011 là chưa hoàn thiện và đề xuất bỏ thông tư này. Tuy nhiên, muốn bỏ Thông tư 20, Bộ Công Thương lại kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì ban hành quy định “tất cả loại phương tiện, nếu không được chính hãng sản xuất hoặc người được chính hãng sản xuất ủy quyền đứng ra chịu trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng đều không được phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vào ngày 21-8, một số chuyên gia nhìn nhận thay đổi cơ bản nhất trong đề xuất của Bộ gửi Thủ tướng là ai cũng có quyền nhập khẩu ô tô mà không cần phải xuất trình giấy ủy quyền chính hãng như trước đây. Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung, bình luận: “Đây là bước đi chấp nhận được của Bộ Công Thương”.
TS Cung cho rằng những quy định về bảo hành, bảo dưỡng thực ra đã được Bộ GTVT quy định khá rõ. “Đó là những quy chuẩn kỹ thuật chứ không phải là điều kiện kinh doanh như nội hàm trong Thông tư 20 đã quy định” - ông Cung khẳng định.
TS Cung đã tranh luận quyết liệt với đại diện Bộ Công Thương là Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Thoa về Thông tư 20 này tại đợt rà soát các điều kiện kinh doanh trái Luật DN, Luật Đầu tư hồi tháng 6-2016. Ông Cung cho rằng Thông tư 20 vi hiến, trái luật khi nó quy định những điều kiện ngặt nghèo, tước bỏ cơ hội kinh doanh của những DN nhỏ, trái với tinh thần tự do kinh doanh của Hiến pháp 2013.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc, người mới đây ký văn bản đề nghị Thủ tướng bãi bỏ Thông tư 20 nhận định việc Bộ Công Thương đề xuất bãi bỏ thông tư trên là một bước đi phù hợp. Bởi lẽ như nhiều chuyên gia, bộ, ngành và đại diện DN đã phân tích thông tư này cản trở quyền tự do kinh doanh và không hề có lợi cho việc phát triển công nghiệp ô tô trong nước; không tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng.
Về việc Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng giao cho Bộ GTVT ban hành quy định về bảo hành, bảo dưỡng…, ông Lộc cho hay: “Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ GTVT về đề xuất này của Bộ Công Thương nếu Thủ tướng quyết định. Đương nhiên mục tiêu cao nhất hướng tới là bãi bỏ những quy định vô lý, kìm hãm phát triển”.
Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô treo băng rôn đòi quyền kinh doanh bình đẳng. Ảnh: CTV
Lo ngại hàng loạt gara đóng cửa
Bình luận đề xuất của Bộ Công Thương về bảo hành và bảo dưỡng, ông Nguyễn Tuấn, đại diện các nhà nhập khẩu ô tô chín chỗ ngồi trở xuống nói: Đây là một hình thức hạn chế tự do kinh doanh và có thể gây ra hậu quả lớn đối với các gara sửa chữa ô tô đang tồn tại.
“Đề xuất như vậy có nghĩa là Bộ Công Thương muốn tất cả ô tô đều phải được bảo dưỡng, bảo hành, sửa chữa tại cửa hàng của chính hãng. Như vậy hàng ngàn cửa hàng sửa chữa ô tô, gara ô tô tư nhân hiện nay sẽ có nguy cơ đóng cửa” - ông Tuấn nhận định.
Ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty Hưng Hà, một nhà nhập khẩu ô tô từ chín chỗ ngồi trở xuống, cho rằng ô tô là loại hàng hóa được kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật, môi trường trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Đồng thời để được lưu thông trên hệ thống đường bộ Việt Nam, ô tô đã được kiểm tra an toàn kỹ thuật, môi trường định kỳ… theo Luật Giao thông đường bộ.
Ông Quyết cũng nêu quan điểm vấn đề bảo hành và bảo dưỡng phải được tách bạch. Bởi bảo hành là trách nhiệm của nhà nhập khẩu, được công khai và Bộ Công Thương quản lý. Còn bảo dưỡng là trách nhiệm của người tiêu dùng đã được quy định tại Luật Giao thông đường bộ. “Không có lý gì lại phải quy định thêm về vấn đề này” - ông Quyết nói.
Ông Quyết cũng đề nghị hãy để người tiêu dùng quyết định thay dầu, lọc nhớt, lọc gió cho ô tô của mình ở đâu. Còn khi phải kiểm tra, sửa chữa tổng thể, chắc chắn họ sẽ phải chọn cơ sở to hơn nhưng giá cao hơn. “Cơ quan quản lý không nên yêu cầu người mua xe phải vào đâu sửa xe, mà nên quan tâm đến việc tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh để cho người tiêu dùng được lựa chọn” - ông Quyết đề nghị.
Trả lời báo chí về đề nghị trên, một lãnh đạo của Bộ Công thương cho rằng Bộ kiến nghị chung. Còn Bộ GTVT (nếu Thủ tướng đồng ý) sẽ quy định chi tiết bởi họ có chuyên môn.
“Về nguyên tắc, nghĩa vụ bảo hành, bảo dưỡng là của chính hãng. Nhưng điều đó không ngăn cản Nhà nước cho phép thêm các cơ sở khác cùng tham gia cung cấp dịch vụ này trên cơ sở đáp ứng các điều kiện do Nhà nước quy định” - quan chức trên nói.
Không cần phải chính hãng Một chuyên gia pháp chế của VCCI cho rằng quy định về bảo hành, bảo dưỡng là điều cần phải xem xét. Theo đó có thể các gara sửa chữa ô tô không cần phải là chính hãng nhưng thị trường sửa chữa ô tô sẽ chia ra ba phân khúc kỹ thuật: Phân khúc làm hoán cải phải quản lý rất chặt; phân khúc hai là sửa chữa lớn, quản lý bằng điều kiện kinh doanh; phân khúc ba là sửa chữa nhỏ, không cần điều kiện kinh doanh. “Tuy nhiên, tôi cho rằng còn nhiều việc khác các cơ quan quản lý chưa làm tốt như các khâu đào tạo lái xe vẫn chưa đâu vào đâu. Do vậy tập trung quá nhiều việc ban hành quy định sửa xe là không cần thiết và cấp thiết” - chuyên gia này nhận định. Đừng vương vấn Chính phủ theo hướng kiến tạo thì cần phải bãi bỏ Thông tư 20. Không cần vương vấn gì thông tư này nữa, vì không ai lại đặt ra quy định để hạn chế DN trong nước. Mặt khác, thông tư này đương nhiên đã hết hiệu lực từ ngày 1-7, vì nó trái với Luật DN, Luật Đầu tư. TS Nguyễn Đình Cung |