Cơ hội giảm chi phí
XK là hoạt động quan trọng của nền kinh tế, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế. Có thể thấy, kim ngạch XK của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm vừa qua, đạt tốc độ tăng bình quân 17,5%/năm trong giai đoạn 2011-2015. Thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy, Việt Nam xếp thứ 26 trong các nền kinh tế có kim ngạch XK lớn nhất, dự kiến kim ngạch XK năm 2017 sẽ vượt mốc 200 tỷ USD. Tuy nhiên, nhịp độ tăng trưởng ấy có còn giữ được phong độ như thời gian qua không, có lẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm XK, đồng thời chú trọng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, người máy, internet của vạn vật, công nghệ nano, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ di truyền... mở ra khả năng đạt được yêu cầu này. “Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các "nhà máy thông minh" hay “nhà máy số”, mà ở đó các thiết bị máy móc thông minh giao tiếp với nhau bằng hệ thống mạng, liên tục chia sẻ thông tin về lượng hàng hiện tại, lượng nguyên vật liệu và những thay đổi trong đơn đặt hàng hay về sự cố hoặc lỗi”, ông Hải nói.
Nhìn nhận những cơ hội cho XK nói chung và DN XK của Việt Nam nói riêng từ cách mạng 4.0, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giảm chi phí giao dịch và quản lý cho DN (ước tính 30 – 70%). Theo đó, DN XK tiếp cận nhiều thị trường hơn, tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái điện tử kết hợp tài chính, y tế, bảo hiểm, du lịch…
Còn theo ông Trần Việt Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương), Việt Nam đang là một trong những quốc gia có ưu thế về XK các sản phẩm công nghiệp như dệt may, da giày, linh kiện điện tử, tuy nhiên giá trị gia tăng chưa cao, do chưa có nhiều hàm lượng tri thức và yếu tố sáng tạo. Công nghiệp 4.0 sẽ là cơ hội để các ngành này đẩy mạnh đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và chất lượng.
Bên cạnh đó, với việc nhiều loại vật liệu mới, sản phẩm mới được hình thành, những giao dịch XK thực hiện hoàn toàn qua môi trường mạng thì cơ chế, chính sách quản lý hoạt động XK, NK cũng cần điều chỉnh theo kịp với tình hình mới, đảm bảo mục tiêu đẩy mạnh XK, kiểm soát NK cũng như đảm bảo an ninh quốc gia.
Vẫn lo chi phí ngầm
Tuy nhiên, XK cũng được dự báo chịu nhiều tác động bất lợi khi các DN XK sẽ đứng trước thách thức về công nghệ thông tin nên rủi ro công nghệ sẽ tăng lên. Bên cạnh đó là những thách thức liên quan đến nguồn nhân lực. Công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng rất cao với kỹ năng và trình độ, kiến thức về công nghệ… ở mức độ cao hơn cũng như ở góc độ pháp lý cũng phải ở mức cao hơn.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, mặc dù công nghiệp 4.0 là cơ hội để DN XK tiết kiệm chi phí nhưng để có được được điều này, câu hỏi hành lang pháp lý cho Chính phủ điện tử ở các bộ, ngành đã làm được chưa hay vẫn cứ thực hiện theo kiểu DN cứ gửi nhưng không ai trả lời. “Như vậy, làm sao tiết kiệm được chi phí. Chính phủ phải có định hướng đổi mới gì về mặt chính sách để tiết giảm chi phí cho DN”, ông Hòe nói.
Đây cũng là một vấn đề mà ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang, đặt ra. Vị này cho biết: “Điều chúng tôi lo ngại không phải câu chuyện DN Việt chậm đổi mới công nghệ để thích nghi với công nghiệp 4.0 mà là chi phí các DN XK hiện nay đang gặp phải. Hiện nay, dưới các xí nghiệp của chúng tôi đã tự động hóa ở nhiều khâu. Khái niệm “nhà máy thông minh” không còn xa lạ với nhiều DN nhưng điều mà DN lo là chi phí XK rất đắt đỏ như phí BOT, phí cảng biển…”.
Chia sẻ với những ý kiến nêu trên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, từ bài học cạnh tranh của Uber, Grab… với taxi truyền thống hiện nay, Bộ Công Thương sẽ xem tác động của công nghiệp 4.0 tới DN XK, đặc biệt, không chỉ với hàng hóa hữu hình mà còn cả hàng hóa vô hình. Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đề xuất, Bộ Công Thương nên làm ngay danh mục các ngành bị tác động nhiều từ cách mạng công nghiệp 4.0, trên cơ sở đó có giải pháp, hướng đi phù hợp xem đối thủ cạnh tranh về mặt XK, họ tiếp cận cuộc cách mạng và lớn lên như thế nào.