Thương lái TQ gian manh, người dân nuôi cá tra điêu đứng
Ảnh minh họa
Tại thị trường đồng bằng sông Cửu Long, diễn biến thu mua cá tra nguyên liệu vẫn ở trạng thái trầm lắng khi lượng thu mua của các nhà máy tiếp tục ở mức thấp. Tại Cần Thơ, một số nhà máy đã ký hợp đồng bắt cá tra size 700 - 900 gr/con phục vụ cho các hợp đồng xuất khẩu cũ, do đó lượng thu mua không nhiều. Giá cá tra nguyên liệu vẫn chững ở mức 18.500 - 19.000 đồng/kg cho size 700 - 900 gr/con.
Theo phản án từ vùng nuôi, cùng một số nguyên nhân khách quan thì các thương lái Trung Quốc đang làm cho vùng nuôi cá tra miền Tây hỗn loạn. Giá cá tra nguyên liệu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã sụt giảm xuống mức kỷ lục. Người nuôi tâm trạng phấn khởi do có lợi nhuận từ những tháng đầu năm, nay chuyển sang trạng thái lo âu do cá đã đến kỳ thu hoạch, lớn quá cỡ nhưng khâu tiêu thụ bị tắc do không thấy thương lái Trung Quốc quay trở lại thu mua như trước.
Thực tế cho thấy, các thương lái Trung Quốc luôn tìm mọi cách nâng giá mua cá tra lên cao khiến nhiều hộ nuôi mất cảnh giác và từ chối các doanh nghiệp trong nước mà sản xuất theo yêu cầu của họ. Vì lợi ích trước mắt quá lớn nên nhiều hộ nuôi đã sập bẫy. Những lần thu hoạch sau, cá tra nuôi trồng còn nhiều mà thương lái thì biệt tăm. Tình trạng này đã khiến người dân nuôi trồng cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long phải điêu đứng.
Từ đầu năm 2016, Trung Quốc luôn là nước nhập khẩu cá tra nhiều nhất từ Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến giá cá có thể sụt giảm bất cứ lúc nào nếu phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu.
Trước tình trạng này, các chuyên gia kinh tế đề xuất người dân nuôi trồng cá tra không nên quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vì lợi nhuận ngắn hạn mà lỗ vốn dài hạn. Theo đó, để phát triển bền vững, người nuôi cá tra cần phải thay đổi chính mình, từ sản xuất (con giống, nuôi), chế biến, tiếp thị, quảng bá thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm để thu hút nhiều thị trường, đặc biệt là khách hàng khó tính như Mỹ.
Trái ngược lại với mức nguồn cung dư thừa ở thị trường cá tra, nguồn cung tôm tại khu vực này đang có chiều hướng suy yếu. Cụ thể, tại Cà Mau, giá tôm nguyên liệu đã tăng nhẹ so với vài tuần trước do nguồn cung ít đi. Giá tôm sú cỡ 20 con/kg tăng 1.000 đồng/kg lên mức 281.000 đồng/kg; cỡ 30 con/kg tăng 5.000 đồng/kg lên 215.000 đồng/kg; cỡ 40 con/kg tăng 3.000 đồng/kg lên 133.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng cỡ 70 tăng 1.000 đồng/kg lên 126.000 đồng/kg và cỡ 100 con/kg tăng 2.000 đồng/kg lên 96.000 đồng/kg.
Tạ Phú Yên, giá tôm sú tươi cỡ 30 và 40 con/kg ổn định ở mức 220.000 đồng/kg và 200.000 đồng/kg, giá tôm thẻ chân trắng 100 con/kg dao động từ 97.000 - 107.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do hàng ít nhưng giá lại cao nên cũng chỉ đủ nguồn cung để bán tại các chợ trong khu vực.