Vì sao truy thu thuế mặt hàng điều hòa âm trần?
Liên quan đến việc truy thu thuế đối với mặt hàng điều hòa không khí dạng âm trần cassett, Chi cục Kiểm tra sau thông quan (Cục Hải quan Hải Phòng)- đơn vị thực hiện kiểm tra, khẳng định việc kiểm tra, truy thu thuế được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Mặt hàng điều hòa âm trần. Ảnh minh họa
Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị về việc cơ quan Hải quan áp mã đối với điều hòa không khí dạng âm trần cassett.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, điều hòa không khí dạng âm trần đã làm thủ tục thông quan hàng hóatại nhiều cửa khẩu của cảng Hải Phòng với mã 8415.81 hoặc 8415.82 thuế suất 5-10% (với C/O form E) trong nhiều năm. Tuy nhiên năm 2015, Chi cục Kiểm tra sau thông quan Hải quan Hải Phòng cho rằng loại hàng hóa này phải được phân nhóm theo mã HS là 8415.10 thuế suất 10-15% (với C/O form E) và yêu cầu truy thu toàn bộ số tiền thuế chênh lệch với tất cả tờ khai liên quan trong vòng 5 năm. Hiệp hội có ý kiến rằng việc phân loại, truy thu như vậy là chưa thỏa đáng.
Liên quan đến vụ việc này, phóng viên Báo Hải quan đã trao đổi với đại diện Chi cục Kiểm tra sau thông quan Hải quan Hải phòng. Đại diện Chi cục cho biết, hiện nay các hệ thống điều hòa không khí rất đa dạng gồm hệ thống điều hòa không khí cục bộ (gồm 1 khối nóng và 1 khối lạnh); hệ thống điều hòa không khí trung tâm (gồm một hoặc nhiều khối nóng kết hợp với nhiều khối lạnh). Trong đó khối lạnh gồm nhiều loại khác nhau bao gồm: Treo tường, đặt sàn, âm trần nối ống gió, âm trần cassette.
Đối với mặt hàng điều hòa âm trần cassette như phản ánh của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam là điều hòa không khí nhiều khối chức năng gồm dàn nóng (khối ngoài trời), dàn lạnh (khối trong nhà) riêng biệt nối với nhau bằng ống gas (không phải ống dẫn khí lạnh).
Để xác định được chính xác mã số mặt hàng điều hòa âm trần, Chi cục đã căn cứ vào Thông tư 103/2015/TT-BTC ngày 1-7-2015 của Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Đồng thời tham khảo chú giải chi tiết HS 2012 và tuyển tập ý kiến phân loại của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Đặc biệt, HS 2012 là tài liệu mới nhất về phân loại mã số hàng hóa của WCO được công bố năm 2012, trong đó hướng dẫn phân loại mặt hàng điều hòa âm trần cassette vào phân nhóm 8415.10.
Theo Hải quan Hải Phòng, căn cứ các quy định trong nước và tài liệu liên quan của WCO kể trên, hệ thống điều hòa không khí dạng âm trần cassette phù hợp phân loại vào phân nhóm 8415.10.
Quá trình thu thập thông tin về hoạt động nhập khẩu mặt hàng này qua địa bàn Hải Phòng, Chi cục phát hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng điều hòa không khí dạng âm trần trước đây đã khai báo vào phân nhóm 8415.81 và 8415.82. Nhưng từ năm 2014 đến nay, có một số doanh nghiệp khác khai báo mặt hàng trên vào phân nhóm 8415.10.
Với nguyên tắc một mặt hàng chỉ có một mã số duy nhất đúng, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp và do có sự chênh lệch về thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O form E giữa các phân nhóm trên, nên Chi cục đã tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với các doanh nghiệp này. Tại biên bản kiểm tra các doanh nghiệp đều thừa nhận việc khai sai mã số của mình. Căn cứ Luật Hải quan 2014, Luật Quản lý thuế, Chi cục Kiểm tra sau thông quan đã ra quyết định ấn định thuế đối với mặt hàng khai sai mã số từ năm 2012 đến nay đối với 7 DN (cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài) và đến tháng 5-2016, các doanh nghiệp đã nộp đủ thuế và tiền chậm nộp theo quy định, với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng.
Về thời hạn vì sao truy thu hàng hóa đã được DN nhập khẩu trong vòng 5 năm trở về trước (tính từ thời điểm mở tờ khai đến khi cơ quan Hải quan kiểm tra), Chi cục Kiểm tra sau thông quan cho biết, việc truy thu trong khoảng thời gian như vậy thực hiện đúng quy định của Luật Hải quan 2014 và Luật Quản lý thuế.
Đại diện Chi cục Kiểm tra sau thông quan Hải Phòng cho biết thêm, đơn vị cũng chỉ truy thu với các mặt hàng nhập khẩu từ năm 2012 trở lại đây do từ năm 2012, WCO mới ban hành chú giải chi tiết HS 2012.
Điều 77 Luật Hải quan 2014 quy định:
1. Kiểm tra sau thông quan là hoạt động kiểm tra của cơ quan Hải quan đối với hồ sơ hải quan, sổ kế toán, chứng từ kế toán và các chứng từ khác, tài liệu, dữ liệu có liên quan đến hàng hóa; kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp cần thiết và còn điều kiện sau khi hàng hóa đã được thông quan.
Việc kiểm tra sau thông quan nhằm đánh giá tính chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, hồ sơ mà người khai hải quan đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan hải quan; đánh giá việc tuân thủ pháp luật hải quan và các quy định khác của pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu, nhập khẩu của người khai hải quan.
2. Kiểm tra sau thông quan được thực hiện tại trụ sở cơ quan Hải quan, trụ sở người khai hải quan. (Trụ sở người khai hải quan bao gồm trụ sở chính, chi nhánh, cửa hàng, nơi sản xuất, nơi lưu giữ hàng hóa).
3. Thời hạn kiểm tra sau thông quan là 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.