Giảm phụ thuộc hàng Trung Quốc
Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp hàng nhập khẩu nhiều nhất nhưng mức nhập siêu đã giảm khá mạnh, khi doanh nghiệp (DN) Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này và chuyển hướng nhập khẩu từ các thị trường khác.
Tìm thị trường nhập khẩu thay thế
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1-2017 sang Trung Quốc đạt 1,9 tỉ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng cao trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 1-2017 là 4,3 tỉ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ.
Nhập khẩu thiết bị từ Mỹ, châu Âu đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH
Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu qua Trung Quốc tăng cao hơn nhưng nhập khẩu lại giảm. Nhờ vậy, nhập siêu từ Trung Quốc năm 2016 cũng thể hiện khá rõ xu hướng này, ở mức hơn 28 tỉ USD - giảm đáng kể so với 32 tỉ USD của năm trước đó.
Phân tích từ thống kê của Tổng cục Hải quan về những mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam trong tháng 1-2017 cũng cho thấy nhập khẩu từ Trung Quốc giảm khá mạnh ở các nhóm điện thoại và linh kiện với 493 triệu USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ; sắt thép nhập 679.000 tấn, giảm 23,1%; vải các loại giảm 12,7% so với cùng kỳ...
Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ thép Khương Mai, cho biết nhập khẩu thép từ Trung Quốc giảm do nhiều yếu tố, trong đó có việc giá thép từ thị trường này đã tăng khá mạnh so với năm ngoái. Nếu so với mức thấp nhất nhập từ Trung Quốc năm 2015, giá thép trong tháng 1-2017 ở thị trường này đã tăng khoảng 40%-50% khiến nhu cầu dùng hàng nhập giảm. Năm 2015, Việt Nam áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với một số sản phẩm thép nhập từ Trung Quốc cũng khiến nhiều DN không mặn mà nhập khẩu mặt hàng này.
Bộ Công Thương nhận định cơ cấu thị trường nhập khẩu bước đầu có sự chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa, giảm dần tỉ trọng nhập khẩu từ châu Á do một số hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2016 tăng thấp, ở mức 0,5% so với năm 2015; trong khi từ Liên bang Nga tăng gần 54%, tương đương 1,14 tỉ USD; từ Úc khoảng 2,4 tỉ USD, tăng 20%.
Thị trường nhập khẩu đã chuyển biến tích cực. Máy móc, nguyên liệu cho sản xuất đã giảm dần phụ thuộc vào một thị trường, Việt Nam tăng dần nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ. Quan trọng hơn, Việt Nam đã kiềm chế được tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc xuống ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Hướng đến sản phẩm chất lượng cao
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP HCM, nhìn nhận hiện nay, khi nhu cầu sản xuất sản phẩm chất lượng cao ngày càng tăng, DN phải đầu tư thiết bị công nghệ cao cấp từ Nhật, châu Âu, ít nhất cũng từ Đài Loan, Hàn Quốc nên giảm nhập khẩu máy móc và thiết bị từ Trung Quốc. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới khi Việt Nam tham gia sâu các FTA - vốn đòi hỏi cao hơn về quy tắc xuất xứ và khả năng cạnh tranh của chất lượng sản phẩm.
Là một DN sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU, gần đây, Công ty TNHH Lập Phúc xác định không nhập khẩu máy móc, thiết bị Trung Quốc để sản phẩm bảo đảm chất lượng. Ông Nguyễn Văn Trí, giám đốc công ty, giải thích: “Khi khởi nghiệp, do chưa có điều kiện về vốn nên DN có nhập máy móc của Đài Loan. Sau đó, chúng tôi xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn như Nhật, EU nên cũng phải nhập thiết bị, máy móc có chất lượng tốt hơn chứ không nhập hàng Trung Quốc”.
Nhu cầu nhập máy móc, thiết bị từ Trung Quốc đối với một số DN trong các ngành hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ... là không nhỏ vì có nhiều sự lựa chọn, giá “mềm” hơn, nhất là trong bối cảnh DN còn khó khăn về tài chính. Nay, với cơ hội mở ra từ các FTA nhiều hơn, DN có thêm sự lựa chọn và giảm bớt lệ thuộc vào một thị trường.
Để tận dụng cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia, gần đây, nhiều DN trong ngành dệt may tìm kiếm thêm các thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu, thay thế dần hàng Trung Quốc. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, nhận định xu hướng này đã diễn ra bởi phải đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Trung Quốc không phải là thành viên. Cụ thể, nếu trước đây, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính nguyên phụ liệu dệt may thì nay, DN Việt Nam có thể nhập khẩu thêm từ các nước ASEAN hay dùng sản phẩm của DN trong nước.
“Dù số lượng chưa nhiều nhưng đây là tín hiệu tích cực khi DN giảm phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào có thể cao hơn thị trường Trung Quốc một chút nhưng nhiều DN vẫn chấp nhận để đầu tư cho tương lai, hưởng lợi về thuế suất từ các FTA khác. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã dừng lại nhưng một FTA quan trọng khác là Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2018 là cơ hội lớn cho DN trong nước” - ông Hồng nhận xét.
Giảm nhập khẩu do khó khăn Một nguyên nhân khác khiến nhập khẩu hàng hóa, nguyên phụ liệu, máy móc và thiết bị từ Trung Quốc giảm, theo nhiều DN, là do tình hình làm ăn vẫn còn khó khăn. Với ngành dệt may, nhập khẩu vải các loại, phụ liệu... từ Trung Quốc giảm là do đơn hàng thời gian gần đây không dồi dào như trước. Với ngành cơ khí, để khởi nghiệp, một xưởng sản xuất cần cả chục tỉ đồng. Số tiền này là không nhỏ nên không phải DN nào cũng duy trì được hoạt động, thậm chí rất nhiều DN đã ngừng hoạt động, giải thể... |