Phải xử lý dứt điểm tôm giống không rõ nguồn gốc
Theo ông Lương Thanh Vân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc, hiện nhu cầu sản xuất tôm giống ở Việt Nam rất lớn song hầu hết DN phụ thuộc vào nguồn giống bố mẹ nhập khẩu. Thậm chí, một số đối tác nước ngoài đã cấm xuất khẩu tôm bố mẹ vào Việt Nam khiến DN trong nước bị động. Trong khi đó, theo Tổng cục Thủy sản, mỗi năm Việt Nam phải nhập trên dưới 200.000 con tôm bố mẹ nhưng việc quản lý chất lượng tôm giống còn nhiều bất cập.
Người nuôi tôm thịt cần con giống tốt để tránh rủi ro
Theo đề xuất của các DN sản xuất tôm giống, để ngành tôm phát triển bền vững, Bộ NN- PTNT cần đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về nuôi tôm, trong đó kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm bố mẹ nhập khẩu. Đối với tôm bố mẹ sản xuất trong nước, việc nhận chuyển giao công nghệ chỉ nên tiến hành khi đáp ứng đủ điều kiện trang thiết bị, đội ngũ nghiên cứu. Đối với tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, Bộ NN-PTNT cần xử lý dứt điểm, tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, gây thiệt hại cho người nuôi tôm do con giống kém chất lượng.
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, với diện tích thả nuôi tôm nước lợ (gồm tôm sú và tôm thẻ) của cả nước khoảng 680.000 ha, nhu cầu con giống ít nhất là 130 tỉ con/năm. Hơn nữa, trong định hướng tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay, thủy sản được xác định là ưu tiên hàng đầu, trong đó, ngành tôm được chú trọng.