Nhập siêu gần 16 tỷ USD
Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, XK của Việt Nam sang Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 6,6 tỷ USD, tăng 29,1%, trong đó, điện thoại và linh kiện tăng 29,6%; dệt, may tăng 22,5%. Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ hai về NK của Việt Nam với 22,5 tỷ USD, tăng 51,2%, trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 123,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 46,1%; điện thoại và linh kiện tăng 37,7%.
Như vậy, cán cân thương mại giữa Việt Nam- Hàn Quốc nghiêng về phía đối tác khi có sự thâm hụt 15,9 tỷ USD. Và với con số này, Hàn Quốc đã “vượt mặt” Trung Quốc chính thức đã trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam (nhập siêu từ Trung Quốc trong 6 tháng đạt 14,1 tỷ USD).
Trước đó, năm 2008, Việt Nam đã nhập siêu từ Hàn Quốc 6,27 tỷ USD. Con số này tăng lên 8,46 tỷ USD trong năm 2011 và đạt 20,6 tỷ USD trong năm 2016 cho thấy nhập siêu từ Hàn Quốc đang tăng nhanh.
Khi đề cập vấn đề nhập siêu từ Hàn Quốc với ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), vị này không tỏ ra ngạc nhiên bởi nhập siêu từ Hàn Quốc đã được ông đưa ra dự báo từ cách đây gần chục năm. Có lẽ, do mọi quan tâm của giới chuyên gia tập trung vào thị trường Trung Quốc nên chưa chú ý đến Hàn Quốc.
Theo ông Phương, xu hướng chuyển NK từ Trung Quốc sang Hàn Quốc có chiều hướng ngày càng tăng và tăng mạnh kể từ khi có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA). Hiệp định có hiệu lực từ cuối năm 2015 cũng đồng nghĩa với việc hai bên sẽ giảm thuế một loạt các hàng hóa (Việt Nam giảm thuế cho hàng hóa Hàn Quốc, trong đó có nhiều mặt hàng công nghiệp, còn Hàn Quốc mở cửa cho hàng hóa Việt Nam chủ yếu là hàng nông sản). Ngay lập tức, hàng hóa của Hàn Quốc có thể vào Việt Nam vì đáp ứng được các tiêu chuẩn cũng như chất lượng. Trong khi đó, hàng hóa của Việt Nam thì chưa chắc đã đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, các tiêu chuẩn chất lượng. “Điều đó dẫn tới thực tế nhập siêu từ Hàn Quốc tăng mạnh. Tôi cho rằng, nhập siêu từ thị trường này sẽ vẫn tiếp tục tăng”, ông Phương nói.
Mặt khác, nhìn từ cơ cấu XNK giữa Việt Nam cũng có thể thấy đây là nguyên nhân dẫn đến nhập siêu. Hiện nay, Việt Nam đang NK một số lượng lớn nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc để phục vụ sản xuất XK. Tuy nhiên, những mặt hàng này lại không được XK nhiều sang Hàn Quốc. Ví dụ Việt Nam NK một lượng không nhỏ xơ, sợi, vải từ Hàn Quốc để sản xuất XK song sản phẩm dệt may vẫn chủ yếu XK sang Mỹ, EU, Nhật Bản…
Lộ điểm yếu
NK từ Hàn Quốc liên tục tăng cũng phần nào giảm bớt lo lắng của cơ quan quản lý cũng như giới chuyên gia trong việc báo động tình trạng phụ thuộc vào một thị trường NK lâu nay, đó là Trung Quốc, dễ dẫn đến những rủi ro không đáng có khi kinh tế thế giới biến động. Hơn nữa, sự dễ dàng của thị trường NK không còn nữa thì việc NK nguyên phụ liệu đầu vào chất lượng tốt hơn sẽ giảm bớt khó khăn cho DN trong việc đáp ứng yêu cầu ngày một chặt chẽ của đối tác.
Tuy nhiên, nhìn từ nguyên nhân khiến nhập siêu tăng, một vị chuyên gia trong lĩnh vực thương mại cho rằng, nhập siêu cũng cho thấy thực tế là những FTA mà Việt Nam đã ký kết không thúc đẩy được XK và nền kinh tế Việt Nam không tận dụng được lợi thế của FTA đã ký. Cụ thể ở đây, DN Hàn Quốc đã tận dụng tốt hơn DN Việt Nam những cơ hội mà VKFTA mang lại. Tình trạng này cũng từng xảy ra khi Việt Nam mở cửa cho hàng Trung Quốc khi có hiệp định ASEAN+1 khiến nhập siêu từ Trung Quốc tăng vọt.
Một báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tỉ lệ tận dụng ưu đãi FTA, thị trường Chile chiếm tỉ lệ sử dụng C/O mẫu VC cao nhất với 64%; đứng thứ hai là thị trường Hàn Quốc với tỉ lệ sử dụng C/O ưu đãi mẫu AK/VK là 56%. Song theo ông Phương, dù có tận dụng được ưu đãi, dù FTA có mang lại lợi lớn thì cũng chủ yếu mang lại cho DN FDI vì DN trong nước quá yếu. Ví dụ như mặt hàng điện thoại, kim ngạch XK của Samsung- một DN của Hàn Quốc tại Việt Nam năm 2016 đạt gần 40 tỷ USD, chiếm tới hơn 20% kim ngạch XK của Việt Nam.
Do vậy, muốn giảm được nhập siêu từ Hàn Quốc nói riêng, giảm nhập siêu của Việt Nam nói chung thì việc đầu tiên cần làm là đẩy mạnh XK, song song với đó là giảm NK. Thế nhưng, để giảm được NK thì Việt Nam cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ đó giúp giảm nhập siêu những nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc, đồng thời tận dụng tốt nhất cơ hội mà VKFTA mang lại.