Bỏ VietGAP, theo thương lái Trung Quốc
Xác định là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế và để giữ uy tín thương hiệu, từ năm 2009, tỉnh Bình Thuận đã triển khai sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam).
Không bán được, trồng làm gì?
Sau gần 8 năm theo đuổi, hàng loạt hộ dân trồng thanh long ở tỉnh này đã không còn mặn mà với VietGAP, nhiều hộ xin rút khỏi chương trình. Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thanh long Bình Thuận, từ năm 2014 đến nay, tại các vùng trồng thanh long trọng điểm của tỉnh như Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc…, rất nhiều hộ đã rời khỏi chương trình VietGAP. Năm 2014, diện tích nông dân xin rời khỏi VietGAP lên đến 650 ha, năm 2015 có 485 ha và 6 tháng đầu năm 2016 vọt lên hơn 1.150 ha.
Nhiều nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận đã từ bỏ VietGAP
Theo ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, hiện gần 80% sản lượng thanh long địa phương xuất khẩu sang Trung Quốc. “Do thị trường này không đòi hỏi nhiều về chất lượng nên thương lái Trung Quốc chỉ quan tâm đến mẫu mã, mua loại trái to bóng, tai xanh. Trong khi đó, nếu nông dân trồng thanh long theo quy trình VietGAP, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng chất kích thích thì trái thường nhỏ và xấu, không đạt theo yêu cầu của thương lái Trung Quốc, dẫn đến ế hàng” - ông Hiệp phân tích.
Ông Trương Tích Hùng, Tổ trưởng tổ sản xuất thanh long VietGAP Gò Cà 2 (huyện Hàm Thuận Bắc), cho rằng trồng thanh long VietGAP tốn nhiều chi phí, công sức nhưng thu hoạch chỉ đạt khoảng 300-400 g/trái, mẫu mã xấu nên bị thương lái chê. “Do không bán được, nông dân phải chuyển sang trồng thanh long theo cách như trước đây, dùng chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật để trái đạt trọng lượng trên 400 g, to bóng, tai xanh theo yêu cầu của thương lái” - ông Hùng giải thích.
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu thanh long VietGAP. “Trồng thì tốn công, tốn sức nhưng trái không bán được, vậy chúng tôi theo chương trình thanh long VietGAP để làm gì? Thôi thì quay lại làm theo cách cũ cho dễ bán” - bà Lê Thị Phúc (nông dân xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) bộc bạch.
Cần hướng đến lợi ích lâu dài
Theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thanh long Bình Thuận, toàn tỉnh hiện chỉ còn hơn 8.000/27.000 ha trồng thanh long được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó 1.515 ha đã hết hiệu lực từ tháng 6-2016 nhưng người trồng không tham gia tiếp, số nông dân đến học các lớp về VietGAP cũng thưa dần.
Ông Trần Ngọc Hiệp thừa nhận việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi phù hợp với xu thế hội nhập, nền nông nghiệp sạch nhằm nâng cao uy tín cho thương hiệu thanh long Bình Thuận, thể hiện trách nhiệm của nông dân địa phương đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Người trồng thanh long ở Bình Thuận cũng đồng tình với xu hướng sản xuất này nên hăng hái tham gia. Thế nhưng, thị trường buộc họ phải thay đổi.
Ông Hiệp cảnh báo người trồng thanh long cần biết Trung Quốc đã trồng được cây thanh long từ lâu và ngày càng mở rộng diện tích. Do đó, trong tương lai gần, khi chủ động được nguồn cung, họ sẽ không nhập khẩu thanh long tiếp. “Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi nhận thức, đừng vì lợi ích trước mắt, ngại thay đổi mà cần chủ động trước mọi tình huống để nắm bắt kịp thời xu thế sản xuất nông nghiệp sạch của thế giới. Có như vậy, thanh long Bình Thuận mới phát triển bền vững được” - ông Hiệp nhận định.
Cũng theo ông Hiệp, ngành chức năng tỉnh Bình Thuận cần nhanh chóng có những chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nhằm ổn định sản xuất thanh long sạch, sớm hình thành mạng lưới thu mua, tiêu thụ thanh long đạt chuẩn VietGAP... “Việc quy hoạch vùng thanh long theo hướng chất lượng cao cũng cần được quan tâm nhằm hướng đến nhiều thị trường khó tính khác. Chỉ có sản xuất sạch mới bảo đảm cho sự ổn định thị trường xuất khẩu thanh long trong tương lai” - ông Hiệp nhấn mạnh.